Top Bộ Phim Về Ẩm Thực Hấp Dẫn Bạn Không Thể Bỏ qua! ( Phần 1)

Top những bộ phim về ẩm thực hấp dẫn bạn không thể bỏ qua!

Ẩm thực luôn là một nét đẹp văn hóa đáng ngưỡng mộ của một quốc gia. Khi ẩm thực đi vào phim ảnh nó càng trở nên kì diệu và hấp dẫn hơn bao giờ hết bởi được kết hợp tinh tế với nghệ thuật.

Thời gian giãn cách xã hội vừa qua, ai cũng đã thêm yêu quý những món ăn thường nhật khi không thể dễ dàng ở hàng quán. Phải xắn tay tự làm – Có người đã trở thành masterchef, cũng có những người vẫn đang dở khóc dở cười với những công thức dang dở. Nhưng dù yêu bếp nghiệp nhà hay ghét bếp không nghiện nhà đi chăng nữa, có một sự thật không thể thay đổi: ” Có thực mới vực được đạo”. Hôm này mời các bạn cùng Bếp Bố Bản điểm qua những bộ phim mượn đề tài ẩm thực để nói lên muôn vàn bài học đắt giá trong cuộc sống. Bạn cũng có thể tận hưởng các bộ phim này trong dịp nghỉ lễ 30.04 – 1.5 cùng với những người yêu thương của mình nhé.

Bản Chất Của Tình Yêu Thương – Tản mạn cùng Bếp Bố Bản (Phần 1)

RATATOUILLE (2007)

“Bất cứ ai cũng có thể làm đầu bếp, kể cả một chú chuột”. Thế nhưng, chuột thường gắn liền với định kiến về vệ sinh thực phẩm, là loài vật không được hoang nghênh trong nhà bếp. Vậy chú chuột Remy trong phim Ratatouille phải làm sao để tránh bị đuổi cùng giết tận mà vẫn theo đuổi được ước mơ của mình. Bí quyết của cậu nằm trong món Ratatouille. Đây là món đặc sản của vùng Provence nước Pháp có nguồn gốc từ thành phố Nice. Tên đầy đủ của món ăn này là Ratatouille Nicoise. Đây vốn là món rau củ hầm ít calo, giàu vitamin, thích hợp với ăn kiêng hoặc ăn chay. Màu sắc đỏ rực của cà chua, vàng ươm của bí, khiến món ăn này trở thành biểu tượng vút mùa hè. Mùa hè lại gắn liền với kí ức tuổi thơ, Vì vậy, món ăn này đã lay động sâu thẳm tâm can  của nhà phê bình ẩm thực Anton Ego khiến ông nhớ lại cảm giác ấm áp khi được thưởng thức món ăn này do mẹ làm và mở lòng chấp nhận món ăn mà chú chuột đã làm. Món ăn này không khó để chế biến, đúng nghĩa là món ăn thường nhật trong đời sống người Pháp nhưng bộ phim nhắc nhở ta rằng để lay động thực khách đôi khi chỉ cần một món ăn giản dị nhưng được nấu cả tấm lòng là đủ.

JIRO DREAMS OF SUSHI

Đối nghịch lại với Ratatouille là bài học về sự khắt khe trong ẩm thực được thể hiện qua bộ phim Jiro Dreams of Sushi. Với góc nhìn từ bậc thầy Sushi Ono Jiro – chủ nhà hàng Sukiyabashi Jiro, người được nước Nhật xem là quốc bảo. Nếu bạn là fan cuồng của sushi hẳn bạn đã từng nghe qua tên nhà hàng Sukiyabashi Jiro. Đây là nhà hàng được Michelin Guide đánh giá 3 sao chỉ vỏn vẹn 10 chỗ ngồi, 5 nhân viên phục vụ 1:1 và muốn ăn ở đây bạn phải đặt chỗ trước tối thiểu một tháng, có đôi khi là 3 tháng đến 1 năm. Để biến Sukiyabashi Jiro trở thành nơi có sushi ngon nhất trên thế giới, Ono Jiro đã phải tự tay ra chợ lựa chọn nguyên liệu vào mỗi sáng sớm, sẵn sàng bỏ cả phần cả chỉ vì ngâm muối thiếu một vài phút trở thành từ điển sống về hương vị và cách sử dụng hàng chục nguyên liệu sushi khác nhau.

Việc thưởng thức Sushi cũng không thể nào tuỳ tiện, chính Ono Jiro là người sẽ quyết định cho bao nhiêu wasabi vào miếng sushi của bạn bởi quan niệm truyền thống không có ai hiểu hõ món sushi ấy hơn người đầu bếp, thông qua đó để ta hiểu rằng để thành công trong việc chế biến một món ăn cũng như bất kì điều gì khác, sự nghiêm túc kỉ luật những tiêu chuẩn khắt khe là điều không thể thiếu.

BURNT ( 2015)

Đôi khi, ẩm thực cũng là con đường để một người tìm lại chính mình. Đó là câu chuyện của Adam Jones – chàng đầu bếp tài hoa nhưng lại có nhiều thói hư tật xấu muốn tìm lại vinh quang ngày nào trong phim Burnt (2015). Phong cách ẩm thực của bộ phim hướng tới sự cao cấp, dành cho giới quý tộc vì mục tiêu của Adam là mong muốn nhà hàng anh ta gầy dựng phải được 3 sao trên hệ thống Michelin. Người xem sẽ không thể quên những món ăn cao cấp được đề cập trong phim như: Thịt cừu non với củ cải đường, Cá Bơn với cà chua sấy khô vừa phải đi kèm sữa chua húng quế và húng quế xay nhuyễn, bánh cam đỏ với phô mai mascarpone.

Nhưng món ăn này được đầu bếp cẩn thận sử dụng chiếc nhiếp để gắp từng tí nguyên liệu vào với khẩu phần trên dĩa cực kì ít. Và thực khách khi ăn cũng phải dùng nhíp để gắp đồ ăn. Chính vì vậy mà những món ăn cao cấp này còn gọi với tên gọi khác là tweetzer food (tweetzer nghĩa là chiếc nhíp). Thực đơn trong bộ phim do chính đầu bếp danh tiếng Marcus Wareing tư vấn cho đoàn làm phim.

CHEF (2014)

Đông cảnh ngộ với Adam Jones là chàng đầu bếp Carl Casper trong bộ phim Chef (2014), nhưng khác với Adam, hành trình của Carl ngược lại: anh từ bỏ vị trí bếp trưởng ở một nhà hàng cao cấp nhiều ràng buộc để tìm lại đam mê với ẩm thực bằng cách bán thức ăn trên một chiếc xe tải rong ruổi khắp nước Mỹ. Những cảnh nấu ăn trong phim này được nhận xét rằng có thể trở thành mô phạm cho sinh viên trường điện ảnh noi theo khi quay phim về ẩm thực. Điển hình là có cảnh Casper tán tỉnh Molly (Scarlett Johanson đóng) bằng món Spaghetti Aglio Olio ( món mì ống truyền thống của Ý ) và các món hấp dẫn khác xuất hiện trong phim như: Sandwich nướng phô mai, Carne Asada ( thịt bò nướng theo phong cách Mỹ La Tinh), Cuban Sandwich chắc chắn sẽ khiến bạn thòm thèm.

EAT, PRAY, LOVE (2010)

Ẩm thực không chỉ cứu vãn sự nghiệp của hai người đàn ông trong Burnt và Chef mà còn cứu rỗi tâm hồn của Liz Gilbert người phụ nữ tưởng chừng đã mất hết sau khi ly dị chồng trong Eat, Pray, Love (2010). Trong cơn tuyệt vọng, cô đã quyết định tìm niềm vui bằng hành trình du lịch qua ba nước: Ý (để ăn), Ấn Độ (để cầu nguyện, tìm lại niềm tin tôn giáo), Bali (để yêu).

Ý là quốc gia được bộ phim chọn để đánh thức tình yêu ẩm thực, khoái cảm mĩ vị trong Liz. Bằng việc tận hưởng miếng pizza béo ngậy và vét sạch đĩa mì Spaghetti ngon lành, Liz đã chủ động chiến thắng nỗi cô đơn và bệnh trầm cảm. Theo chân chặng Eat của Liz, người xem hiểu hơn về văn hoá ăn uống của từng quốc gia như cung cách nhẹ nhàng, chậm rãi của con người đất Âu đến những bữa ăn vội vã kiểu Mỹ.

Và nếu khởi đầu bằng việc ăn, Liz đã tìm được đến chặng cuối mà ai cũng mơ ước Tình Yêu.

LITTLE FOREST (2014)

Little Forest Bản Nhật

Tương tự câu chuyện của Liz là cô nang Ichiko trong Little Forest (2014). Bộ phim kể câu chuyện về Ichiko- cô gái trẻ đã rời bỏ thành phố lớn để quay về vùng nông thôn, sống theo kiểu tự cung tự cấp. Câu chuyện của bộ phim đi theo một triết lý rất nổi tiếng được đề cập trong quyển sách Cuộc Cách mạng một Cọng Rơm của nhà nông nghiệp Masanobu Fukuoka : “Mùa nào ăn thức ăn của mùa nấy” – điều này sẽ tốt cho thiên nhiên vì không bị sức ép nghịch mùa trước nhu cầu của con người mà cũng tốt cho chính sức khoẻ của của con người. Bởi lẽ đơn giản, khi ăn những món ăn có sẵn theo mùa, ta được thưởng thức nó một cách tự nhiên nhất, ít chịu tác động xấu từ sự ảnh hưởng của phân bón, thuốc tăng trước và các chất hoá học.

Nước Ép Từ Diếp Cá – Món Ăn Bài Thuốc Dân Gian

Little Forest Bản Hàn

Ngoài ra, bộ phim này đã được làm lại theo phiên bản Hàn vào năm 2018 với nhân vật nữ chính Hye Won (dưới sự thể hiện của Kim Tae Ri). Những món ăn được đề cập trong phim cũng được thay đổi thành những món ăn của xứ kim chi như: kongguksu – một loại súp đậu nành dành cho mùa hè, sirutteok – bánh gạo hấp có ba lớp nhân với cơm trắng, bột gạo nếp và nhân đậu đỏ, mỳ Ý với topping là hoa táo, sujebi- loại soup pasta kiểu Hàn Quốc.

Nếu yêu thích ẩm thực kiểu Nhật, Hàn, và quan tâm đến chủ đề sống xanh, bạn chắc chắn không thể bỏ qua Little Forest.

Hi vọng với những bộ phim trên, chúng ta đều đã có những bài học quý giá về cuộc sống thông qua ẩm thực và có những công thức món ăn mới.

Mời bạn cùng chia sẻ và đọc thêm những tản mạn, những mẫu chuyện của Bếp tại đây

____________________________

Bếp Bố Bản

43/3 Hải Phòng, Thạch Thang, Hải Châu, Đà Nẵng

Điện thoại: 0905 07 3579

Fanpage: Bếp Bố Bản 3B

Email: [email protected]

Website Đặt Bàn: https://bepboban.vn/dat-ban/